Dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của mỗi con người. Nhất là những năm tháng đầu đời, trẻ sơ sinh cần có chế độ ăn uống khoa học, phù hợp để tạo nền tảng cho sự phát triển sau này.
Dưới đây sẽ là một vài gợi ý để các mẹ có phương pháp cho trẻ sơ sinh ăn đúng cách!
1. Giai đoạn 0 – 6 tháng tuổi
Vào giai đoạn này, dạ dày và hệ tiêu hóa của bé vẫn còn chưa phát triển hoàn thiện nên rất yếu và nhạy cảm. Do đó, mẹ chỉ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Đối với những mẹ thiếu hoặc mất sữa có thể nuôi bằng sữa công thức.

Cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên
Đối với các bé dưới 6 tháng tuổi, dạ dày các bé còn nhỏ, bé chưa bú được nhiều nên mẹ cần chia nhỏ các cữ bũ để giúp bé không bị đói. Tùy thể trạng sức khỏe và cơ năng của từng bé thì mỗi ngày mẹ nên cho bé bú từ 8 – 12 lần/ngày.
Mẹ cần chú ý tuyệt đối, khi trẻ dưới 4 tháng tuyệt đối không cho trẻ ăn ngoài, kể cả nước lọc, sữa chua, sữa tươi…
2. Giai đoạn 6 – 10 tháng tuổi
Theo các chuyên gia, tháng thứ 6 trở đi là thời điểm lý tưởng để tập cho bé làm quen với ăn dặm. Lúc này mẹ có thể thấy một số biểu hiện của bé như: giả vờ nhai, thích thú với thức ăn, nhìn chăm chú khi người khác ăn, đòi bốc đồ ăn, thích ngậm một cái muỗng, đói sau khi đã bú mẹ 8-10 lần hoặc sau khi đã uống khoảng 1 lít sữa công thức/ngày, mọc răng.
Lúc này, ngoài nguồn thức ăn chính cho bé vẫn là sữa mẹ (sữa bột) thì mẹ có thể tập cho bé ăn thức ăn xay nhuyễn như khoai lang, bí, bơ, táo, chuối, đào, lê, ngũ cốc hoặc rau, thịt xay…
Lúc bắt đầu cho bé ăn mẹ chỉ nên cho bé ăn thử vài muỗng, xem có hợp với khẩu vị, sở thích của bé hay không, sau đó rồi mới tăng dần lên.
Vào giai đoạn khoảng 8 – 10 tháng, dạ dày của bé đã ổn định hơn nên ngoài những thức ăn kể trên mẹ có thể cho bé ăn thêm một số thức ăn như: phô mai mềm tiệt trùng, sữa chua, phô mai (không nên dùng sữa bò), bánh mì nướng cắt nhỏ, chuối chín cắt lát, nui nấu chín, bánh quy giòn, bánh ngũ cốc ít đường, đậu Hà Lan, đậu đen xay nhuyễn, rau củ hấp xay nhuyễn, cháo ăn dặm…

Cháo ăn dặm cho các bé 8 – 10 tháng tuổi
Lúc mới bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm có thể trẻ không chịu ăn ngũ cốc, mẹ có thể trộn các loại như ngũ cốc với 4-5 muỗng cà phê sữa mẹ hoặc sữa công thức. Sau đó tăng dần lên với mức liều lượng phù hợp.
3. Giai đoạn 10 – 12 tháng
Theo các nghiên cứu, để đảm bảo sự phát triển tốt nhất, trẻ cần được bú càng lâu càng tốt. Và thời điểm 10 – 12 tháng mẹ vẫn nên duy trì việc cung cấp chất dinh dưỡng chính cho bé là sữa mẹ.
Lúc này, đa số bé đã cứng cáp và mọc răng, bé có thể gặm một số thức ăn mềm nên mẹ có thể bổ sung thêm cho bé phô mai mềm tiệt trùng, sữa chua, ngũ cốc giàu sắt, trái cây cắt thành từng miếng vuông, rau hấp cho chín mềm, cắt thành miếng nhỏ, mì ống và phô mai, thịt hầm…

Rau củ hầm cho bé khi đã mọc răng
Mẹ cần chú ý thường xuyên đổi món để trẻ không bị ngán, nên cho trẻ ăn nhiều rau củ và trái cây để giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn. Đồng thời, sau khi cho bé thử một món mới, mẹ nên ngưng rồi đợi một vài ngày để biết được bé có hợp hay bị dị ứng với món đó hay không.
Ngọc Lan